Các chuyên gia du lịch tin rằng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu đón 25-28 triệu lượt khách quốc tế vào năm tới, nhưng phải nỗ lực gấp đôi.
Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, nêu mục tiêu Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới và tiến tới là ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2025, Việt Nam phấn đấu đón 25-28 triệu lượt khách quốc tế, trở thành năm đón nhiều khách nhất trong lịch sử, cao hơn 1,5 lần mục tiêu năm 2024 là 17-18 triệu lượt. Mục tiêu này bằng với lượng khách Thái Lan đã đón trong năm 2023.
Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính cho biết nếu xét về mức tăng trưởng bình quân lượng khách quốc tế 5 tháng đầu năm 2024, ngành du lịch đang có tín hiệu “khá tích cực”. Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố 29/5, trong 5 tháng đầu năm Việt Nam đón gần 7,6 triệu lượt khách, tăng gần 65% so với cùng kỳ 2023 và tăng gần 4% so với 2019. Trong quý I, Việt Nam đứng top 3 tại ASEAN về lượng khách ghé thăm, sau Thái Lan và Malaysia.
Ngành du lịch đang nhận được sự quan tâm nhiều hơn của Chính phủ cùng các chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện để ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn, tăng năng lực cạnh tranh. “Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu như kỳ vọng”, ông Chính nói. Mục tiêu đón 25-28 triệu lượt khách năm sau phản ánh quyết tâm của ngành trong phát triển du lịch cũng như khát vọng vươn lên ngang tầm các quốc gia hàng đầu trong khu vực như Thái Lan.
Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh nhận định mục tiêu đón 25-28 triệu là thách thức của ngành. Tuy nhiên, trước sự cố gắng phục hồi du lịch của Việt Nam như hiện nay, ông Quỳnh tin rằng “có căn cứ để chúng ta đặt ra mục tiêu như vậy”.
CEO tập đoàn khách sạn, nhà hàng, du thuyền, du lịch – lữ hành Lux Group Phạm Hà cho biết đặt mục tiêu cao “cũng tốt”. Nhưng nếu Việt Nam vẫn chưa khắc phục được vấn đề hiện tại như thiếu nhạc trưởng, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ, nhiều nơi vẫn “mạnh ai nấy làm”, quản lý điểm đến chưa thật sự hiệu quả, mục tiêu đặt ra sẽ khó thực hiện được.
Ông Phạm Hà cũng nhận định ngoài đếm số lượng, ngành cần lưu ý chất lượng khách. Nếu 25-28 triệu lượt khách đến từ các thị trường giàu có, chi tiêu nhiều, ở lâu sẽ là điều tốt. Ngược lại, nếu phần lớn khách đến qua các tour giá rẻ, 0 đồng và không mua sắm thì số lượng khách đến nhiều cũng không đạt hiệu quả như mong muốn. Cần quan tâm đến trong số 25-28 triệu lượt khách của năm 2025, có bao nhiêu phần trăm trong số đó là khách quay lại lần 2, lần 3. Mỗi lần quay lại khách dẫn theo những ai đi cùng.
“Rất nhiều khách Việt đi Thái Lan 5-6 lần, hầu như năm nào cũng đi tiếp”, ông Hà nói và hy vọng Việt Nam cũng tính kế lâu dài để thu hút ngày càng nhiều khách quay lại.
“Chúng tôi không đếm khách từ lâu rồi”, đại diện một đơn vị lữ hành tại Hà Nội nói thêm. Người này cho hay ngành du lịch hiện nay nên chú trọng đến dịch vụ khách mong muốn và chi tiêu của họ, để khách tiêu đến đồng tiền cuối cùng trong túi trước khi ra về.
Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Chính cho biết Việt Nam cần ưu tiên thực hiện tốt một số nhiệm vụ quan trọng như nghiên cứu thị trường, xây dựng định vị thương hiệu; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch; mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương; tăng cường hợp tác du lịch – hàng không.
“Nghiên cứu thị trường để xác định nhu cầu, hành vi, xu hướng mới là việc quan trọng hàng đầu”, ông Chính nói. TAB mong muốn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Cục Du lịch Quốc gia nghiên cứu sâu rộng các thị trường trọng điểm, qua đó đưa ra chiến lược phù hợp với từng phân khúc thị trường tiềm năng, chất lượng cao như khách MICE, thể thao, khách hưu trí hay siêu giàu. Bên cạnh đó, Việt Nam cần phát triển bộ định vị thương hiệu quốc gia.
Để thực hiện tốt công tác xúc tiến quảng bá đối với từng thị trường mục tiêu đã được xác định, Việt Nam cần đảm bảo nguồn lực tài chính để thực hiện các chiến dịch. Ngân sách này để chi cho các hoạt động xúc tiến và quảng bá thường niên như tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn như ITB tại Đức, WTM tại Anh cũng như mở rộng mạng lưới văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài.
Việt Nam đang miễn thị thực cho công dân 25 nước, trong đó có 13 nước được miễn thị thực đơn phương gồm: Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Liên hiệp vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus.
Trong khi đó nhiều nước trong khu vực châu Á đang tăng sức cạnh tranh thu hút du khách bằng chính sách miễn thị thực. Malaysia và Singapore đã miễn visa cho 162 quốc gia, Philippines là 157, Nhật Bản 68, Hàn Quốc 66, Thái Lan hơn 90 nước.
Do đó, để tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu, TAB đề xuất mở rộng danh sách miễn thị thực cho 20 nước còn lại thuộc Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác như Mỹ, Australia, New Zealand, Canada, Ấn Độ, Trung Quốc.
“Có những quốc gia chỉ cần chúng ta miễn visa và tăng cường đường bay thẳng là họ đến như Ấn Độ, New Zealand, Australia hay các nước Đông – Tây Âu”, ông Hà nói thêm.
Vấn đề hợp tác du lịch – hàng không cũng được coi là chiến lược then chốt trong thu hút khách quốc tế. Việt Nam mở rộng mạng lưới bay, kết nối trực tiếp các chuyến bay thẳng từ thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, nâng cấp các sân bay đầu mối trung chuyển như Nội Bài, Tân Sơn Nhất để tăng khả năng đón khách quốc tế.
Theo ông Quỳnh, Việt Nam có nhiều điểm mạnh về du lịch như bề dày văn hóa, cảnh quan thiên nhiên phong phú, nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hồi cuối tháng 5 xếp hạng cao nhiều chỉ số của du lịch Việt. Giá cả cạnh tranh xếp thứ 16 trên tổng 119 quốc gia, vùng lãnh thổ. An ninh an toàn xếp hạng 23, chỉ số tài nguyên thiên nhiên hạng 26, tài nguyên văn hóa hạng 28, tài nguyên khác ngoài giải trí-nghỉ dưỡng hạng 38.
Việt Nam cần phát triển các sản phẩm du lịch mới như mô hình du lịch cộng đồng gắn liền văn hóa, sinh kế bản địa, thưởng thức ẩm thực địa phương một cách khác biệt. Ngành văn hóa – du lịch cũng cần có kế hoạch phục dựng những không gian văn hóa, bản làng mang kiến trúc riêng biệt của từng đồng bào dân tộc, đầu tư du lịch mạo hiểm. Ông Quỳnh cho biết đây là sản phẩm du lịch được nhiều khách quốc tế yêu thích.
“Chúng ta cần biết những ai sẽ đến Việt Nam trong số 25-28 triệu lượt khách kia”, ông Hà nói. Biết được tệp khách sẽ phục vụ sẽ giúp ngành chủ động hơn trong cung cấp dịch vụ, cách thu hút du khách và khiến họ ở lâu, chi nhiều. Thị trường và nhu cầu của khách luôn luôn thay đổi. Do đó, Việt Nam cần lấy khách hàng làm trung tâm, coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
“Chúng ta cần nỗ lực gấp đôi năm ngoái để tăng năng lực cạnh tranh du lịch với các quốc gia láng giềng”, ông Hà nói.
Phương Anh (VnExpress)